Bệnh tuyến giáp là tình trạng khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hoặc quá ít hormone, gây rối loạn trao đổi chất trong cơ thể và nhiều vấn đề khác. Nhiều người đặt ra câu hỏi người bị bệnh tuyến giáp kiêng ăn gì và nên ăn gì để quá trình điều trị bệnh thuận lợi, tránh những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe. Trong đó, câu hỏi “Người bị bệnh tuyến giáp không nên ăn hạt hướng dương vào ngày Tết có đúng không?” cũng là mối quan tâm của nhiều người.
Để trả lời cho câu hỏi này, BS Nội tổng quát Nguyễn Hải Đan chia sẻ như sau:
Bị bệnh tuyến giáp Tết có nên ăn hạt hướng dương không
Người bị bệnh tuyến giáp có thể ăn hạt hướng dương, nhưng nên lưu ý một số điểm quan trọng. Hướng dương là một loại hạt giàu chất dinh dưỡng, bao gồm protein (đạm), axit béo omega-3, vitamin E, magie, selen và các chất chống oxy hóa. Với những dưỡng chất này, hạt hướng dương có thể có lợi cho người rối loạn chức năng tuyến giáp như sau:
– Hạt hướng dương cung cấp protein, giúp duy trì khối lượng cơ và sức mạnh cho người bệnh suy giáp, ngăn ngừa sự phá hủy cơ do thiếu hormone tuyến giáp.
– Hạt hướng dương cung cấp axit béo omega-3, giúp giảm viêm và các triệu chứng liên quan đến viêm tuyến giáp Hashimoto, một nguyên nhân phổ biến của suy giáp.
– Hạt hướng dương cung cấp vitamin E, magie và selen… là những chất dinh dưỡng quan trọng cho sự tổng hợp và hoạt động của hormone tuyến giáp. Vitamin E cũng có tác dụng bảo vệ tế bào khỏi sự oxy hóa do quá trình chuyển hóa nhanh ở người cường giáp.
– Hạt hướng dương cung cấp các chất chống oxy hóa, giúp làm giảm căng thẳng oxy hóa và ngăn ngừa tổn thương mô tuyến giáp.
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh tuyến giáp
Người rối loạn chức năng tuyến giáp là người có tuyến giáp hoạt động không bình thường, có thể là suy giáp (ít hormone) hoặc cường giáp (nhiều hormone).
Người bị suy giáp hay cường giáp sẽ có chế độ ăn khác nhau nhưng đều có nguyên tắc chung như sau:
– Nên ăn các thực phẩm giàu iốt: Iốt là nguyên liệu cần thiết để sản xuất hormone tuyến giáp. Nếu thiếu iốt sẽ gây ra suy giáp hoặc u nhiều nang. Ngược lại, nếu thừa iốt sẽ gây ra cường giáp hoặc u nang đơn lẻ. Do đó, bệnh nhân cần bổ sung iốt một cách cân đối và hợp lý.
Các nguồn thực phẩm giàu iốt bao gồm: Muối iốt, hải sản, rong biển, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa.
– Nên ăn các thực phẩm giàu selen: Selen là một chất chống oxy hóa quan trọng, giúp bảo vệ tuyến giáp khỏi các tổn thương do quá trình oxy hóa. Selen cũng có vai trò trong việc chuyển hóa hormone tuyến giáp, giúp tăng hiệu quả hoạt động của hormone tuyến giáp.
Các nguồn thực phẩm giàu selen bao gồm: Cá ngừ, cá hồi, gà, thịt lợn, trứng và nấm.
– Nên ăn các thực phẩm giàu vitamin A, C và E: Các vitamin này là các chất chống oxy hóa hiệu quả, giúp loại bỏ những tổn thương tuyến giáp.
Các nguồn thực phẩm giàu vitamin A bao gồm: Gan, rau lá xanh, cà rốt, khoai lang và bơ.
Các nguồn thực phẩm giàu vitamin C bao gồm: Cam, chanh, dâu tây, kiwi và ớt.
Các nguồn thực phẩm giàu vitamin E bao gồm: Dầu thực vật, hạt điều, hạnh nhân, hạt bí và mầm lúa mì.
– Nên ăn các thực phẩm giàu vitamin B: Các vitamin nhóm B có vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng thần kinh và tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Các nguồn thực phẩm giàu vitamin B bao gồm: Thịt lợn, rau lá xanh, thịt gà, trứng, các loại đậu, hải sản có vỏ cứng, mầm lúa mì, hạnh nhân, đậu Hà Lan và ngũ cốc nguyên hạt.
– Nên ăn các loại rau xanh: Rau xanh là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng như magiê, kẽm, canxi và chất xơ cho cơ thể. Các chất này đều có lợi cho hoạt động của tuyến giáp và hệ tiêu hóa.
Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý không nên ăn sống các loại rau thuộc họ cải màu xanh như bông cải xanh và cải bẹ xanh, cải ngọt… vì chúng có chứa chất có thể làm giảm khả năng hấp thu iốt của tuyến giáp. Nếu muốn ăn các loại rau này, nên luộc hoặc chần qua nước sôi để phá vỡ hợp chất này.
Ngoài ra, đối với người bị bệnh tuyến giáp, đặc biệt là suy giáp hoặc u nang nhiều nang, nên hạn chế ăn các sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ, sữa đậu nành hay nước tương vì chúng có chứa isoflavone.